CEO VNP Group- Nguyễn Ngọc Điệp: Bí quyết luôn giữ vững đam mê khởi nghiệp

ảnh bài viết

Trong quá trình khởi nghiệp, con đường từ khi hình thành ý tưởng cho đến lúc biến ý tưởng ấy thành sự thực và trở nên thành công là một con đường dài và đầy trắc trở. Trên con đường ấy, đã không ít người phải gục ngã vì thiếu tiền, thiếu nhân lực, vì không cạnh tranh được… và đặc biệt là không thiếu những trường hợp bỏ cuộc vì mất tinh thần, vì không còn giữ được đam mê với ý tưởng, dự án của mình.

Thành lập Vật Giá từ hơn 6 năm trước, nhưng đến nay anh Nguyễn Ngọc Điệp, founder kiêm CEO Vật Giá, vẫn còn nguyên lòng đam mê và tinh thần khởi nghiệp như ban đầu. Phần lớn thời gian hàng ngày của anh là dành để quan tâm chăm chút cho công ty, cho sản phẩm và các dự án của mình. Anh làm thế nào để giữ vững được nhiệt huyết ấy sau hơn 6 năm vất vả, trong khi rất nhiều founder khác đã phải bỏ cuộc trước sự khắc nghiệt của thị trường?

Ai cũng sẽ mất tinh thần, nhưng điều quan trọng là phải biết lấy lại được tinh thần để đi tiếp.

Chuyện mất tinh thần là điều bình thường trong cuộc sống. Và đặc biệt là với những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp thì việc chán nản, muốn bỏ cuộc là rất dễ hiểu và không hiếm gặp. Nói về các khó khăn, anh Điệp chia sẻ:

“Trong Internet, càng muốn tiến xa thì cạnh tranh sẽ càng khốc liệt. Hàng ngày sẽ diễn ra đủ các loại vấn đề, từ các vấn đề về chính sách, pháp luật, từ nhân sự, khách hàng cho đến đối thủ, thị trường…, những vấn đề ấy sẽ phát sinh hàng ngày và mình phải biết cách khắc phục. Nếu không, những vấn đề ấy sẽ ảnh hưởng đến mình hàng ngày, làm mình mệt mỏi, sinh nản chí và dễ bỏ cuộc. Cũng như một cái cây vậy, cây đổ không phải vì bão tố quá mạnh, mà là vì những con mọt hàng ngày phá hoại, làm cây yếu đi và có thể gục ngã bất cứ lúc nào”.

Và làm thế nào để lấy lại tinh thần trong công việc? Theo anh Điệp thì:

“Khi khởi nghiệp thì 100% là sẽ mất tinh thần, mất nhiệt huyết. Mất tiền thì có thể xin đầu tư, nhưng mất nhiệt huyết thì là mất hết. Khi đó, mình phải bình tâm và nhìn lại vấn đề. Điều quan trọng là ở lòng tự trọng, là ở sức mạnh tinh thần của mình. Lúc ý là lúc thử thách lòng tự trọng của mình lớn đến mức độ nào? Mình phải vứt bỏ cái tôi, vứt bỏ những suy nghĩ buồn chán để mà bước tiếp, để cố gắng. Lòng tự trọng của mình phải đủ lớn để trong mọi trường hợp, dù bị vùi dập, bị vấp ngã, thất bại thì vẫn có thể đứng dậy đi tiếp”.

Anh chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình:

“Mỗi khi cảm thấy buồn, nản chí thì mình nhìn những tấm gương thành đạt khác để lấy lại tinh thần. Họ đem lại cho mình nguồn năng lượng cực lớn khi mình gục ngã. Thomas Edison 10.000 lần thất bại mới phát minh ra được bóng đèn. Sam Walton năm 32 tuổi vẫn làm nhân viên giặt là, trông kho hàng và sau này sáng lập ra Walmart. Steve Jobs thì từng bị đuổi khỏi công ty do chính mình sáng lập. Bill Gates cũng từng bỏ học. Tuy vậy họ có một tinh thần quyết tâm rất lớn. Nhìn họ, mình hiểu được rằng cần phải có một ý chí mạnh hơn người khác để vượt lên. Nhìn họ, mình nghĩ là mình sẽ làm được!                                                                                          

         Start-up cần có cho mình những tấm gương để học hỏi và là động lực để vượt qua những khó khăn.

Phải tạo ra một văn hóa công ty thúc đẩy tinh thần của mọi người

Điều hành một công ty có hơn 1000 nhân viên hoạt động tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, anh Điệp không chỉ cần phải giữ được tinh thần và nhiệt huyết cho mình mà còn cần duy trì và truyền tải nhiệt huyết ấy đến các nhân viên của mình. Vậy bí quyết của anh là gì?

“Mình phải đam mê hơn tất cả, phải giữ tinh thần mình cao hơn tất cả. Và hơn hết, dù trong một lĩnh vực mình có thể không giỏi bằng nhân viên, nhưng tổng hợp tất cả các lĩnh vực, các yếu tố thì là giám đốc, mình phải hơn được họ, như thế mới có thể tạo ra cảm hứng cho họ. Đôi khi phải hơi “điên” mới kéo cả tổ chức đi lên được”.

“Việc thúc đẩy tinh thần của nhân viên phải thực hiện qua các mối quan hệ, giao tiếp, quan tâm hàng ngày. Với công ty hơn 1000 nhân viên thì người giám đốc không thể nói chuyện, giao tiếp để thúc đẩy tinh thần từng nhân viên được. Quan trọng là phải tạo ra một văn hóa để duy trì tinh thần và nhiệt huyết. Người giám đốc có thể làm được 10 – 20 người xung quanh mình có tinh thần. 20 người ấy sẽ tạo ra cảm hứng cho những người ở dưới họ, và cứ như thế tinh thần ấy sẽ lan tỏa ra, tạo thành văn hóa. Văn hóa ấy là những con người biết quan tâm, biết phấn đấu, nỗ lực, say mê và chính những con người ấy lan tỏa năng lượng và tinh thần cho người khác”.

Lời khuyên cho các startup

Với kinh nghiệm của một người đàn anh đi trước, anh Điệp đưa ra lời khuyên cho các startup rằng: ”Để có được cảm hứng và duy trì được tinh thần, các startup nên chọn những “ngôi sao sáng” để học hỏi và đi theo hướng của họ. Chính những “ngôi sao sáng” ấy sẽ truyền năng lượng và giúp mình giữ được “lửa” để tiếp tục tiến xa hơn nữa”.

Và để trau dồi tinh thần cũng như tìm thêm được cảm hứng, anh cũng khuyên các startup nên đọc 4 cuốn sách mà theo anh là cực kỳ hữu ích cho quá trình khởi nghiệp, đó là “Xây dựng để trường tồn”, “Từ tốt đến vĩ đại”, “10 quy tắc của Sam Walton” và “Đắc nhân tâm”.

Chúc cho tất cả những ai đã, đang và sẽ start- up luôn luôn giữ đam mê, ước mơ, và thực hiện thành công kế hoạch khởi nghiệp của mình.