VNP Phát triển mô hình quản lý công việc theo AGILE – SCRUM

ảnh bài viết

Sáng 12/03, buổi hội thảo mang tên “Agile – Scrum Workshop” đã được tổ chức tại sảnh tầng 5 trụ sở VNP Group nhằm cung cấp cho nhân viên công ty những kiến thức cơ bản nhất về mô hình làm việc nhóm này.

Là một mô hình phát triển phần mềm lần đầu tiên được đưa ra bởi nhóm 17 lập trình viên tại Utah vào tháng 02/1991, Agile nhằm giải quyết những vấn đề mà quy trình phát triển phần mềm cố điển thường gặp phải: Một phần mềm có thể được xây dựng trong nhiều tháng trời nhưng kết quả đem lại thường khác xa với hình dung của khách hàng. Mô hình Agile – Scrum được xây dựng dựa trên những quan sát về cách các vận động viên bóng bầu dục tương tác và hỗ trợ nhau trên sân cỏ. Trong tiếng Anh, “agile” là “rất nhanh”. Vì thế, cốt lõi của mô hình Agile là cho ra được kết quả cụ thể sau mỗi giai đoạn làm việc ngắn, với sự tương tác tối đa của các thành viên trong team.

Tóm lại, Agile là một quy trình phát triển phần mềm “linh hoạt”, bao gồm việc chuyển giao phần mềm sớm, thường xuyên và liên tục cho khách hàng và sự cộng tác với khách hàng

Chị Tạ Thị Thinh, Trường phòng Quality Assurance (QA) VNP Group đồng thời là diễn giả buổi đào tạo đã nhấn mạnh vào bốn tuyên ngôn, cũng chính là các quy tắc cơ bản của Agile: Tương tác cá nhân được ưu tiên hơn quy trình và công cụ; sản phẩm có thể sử dụng được ưu tiên hơn tài liệu mô tả; sự hợp tác và mối quan hệ với mọi người được ưu tiên hơn các thỏa thuận trong hợp đồng; và khả năng thích nghi với thay đổi được ưu tiên hơn việc theo sát kế hoạch đề ra. 

Chị Tạ Thị Thinh (Trưởng phòng QA) chia sẻ về Agile - Scrum

Nói một cách đơn giản thì trong một quy trình phát triển phần mềm nói riêng và làm việc nhóm nói chung áp dụng Agile, các thành viên được khuyến khích tương tác trực tiếp thay vì mất thời gian email qua lại. Khi kết thúc một giai đoạn thì điều tiên quyết là phải tạo ra được một sản phẩm “sử dụng được” chứ không chỉ là những mô tả đơn thuần trên giấy, dù sản phẩm đó có thể chưa hoàn hảo. Việc sửa chữa lỗi của sản phẩm được thực hiện liên tục dựa trên sự trao đổi thường xuyên với khách hàng, nhằm giảm thiểu tối đa những sai lệch không đáng có so với kỳ vọng ban đầu. Và giống như tên gọi của nó, mô hình Agile không quá coi trọng các kế hoạch dài hạn, mà tập trung giải quyết một cách nhanh chóng những yêu cầu đến từ ngoại cảnh.

Agile đã được phát triển nên nhiều phương pháp, phổ biến nhất phải kể đến XP, Lean và Scrum. Scrum được xây dựng trên các “chặng nước rút” (sprint) và mang tất cả tinh thần của Agile.

Quy trình làm việc trong phương pháp Scrum được mô tả như hình vẽ dưới đây:

Quy trình làm việc trong Scrum

Trong quy trình này, đầu tiên các yêu cầu về sản phẩm (Product Backlog) sẽ được tập hợp lại và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Các yêu cầu trong Product Backlog sẽ được “chẻ” ra thành các nhiệm vụ (task), tập hợp các nhiệm vụ này gọi là Sprint Backlog. Thời gian để giải quyết các nhiệm vụ này là từ 2 – 4 tuần, trong đó việc tương tác phải được thực hiện hàng ngày thông qua team meeting. Kết thúc mỗi chu trình như vậy, cả nhóm sẽ “trình làng” một sản phẩm sử dụng được để khách hàng xem xét.

Kanban board và Burndown chart là công cụ theo dõi tiến trình trong Scrum, được cập nhật hàng ngày. Điểm đặc biệt là chúng đều được thực hiện offline, ngay trong không gian làm việc của team để tất cả mọi người có thể nhìn thấy và nhanh chóng cập nhật.

Kanban board là một bảng theo dõi tiến độ công việc trong Scrum, mô hình đơn giản nhất gồm 3 cột “To do” – việc cần làm; “Doing” – đang tiến hành và “Done” – đã hoàn thành. Ban đầu các tờ giấy dán công việc sẽ được đặt vào cột “To do”, và dịch chuyển dần sang cột “Done”.

Dạng cơ bản nhất của Kanban board

Đi cùng với Kanban board là Burndown chart, biểu đồ này nhằm theo dõi khối lượng công việc đã hoàn thành. Đường chéo tạo góc 45 độ với mặt phẳng là đường hoàn thành công việc lý tưởng.

Một ví dụ về Burndown chart

Agile – Scrum là mô hình được phát triển cho lĩnh vực phát triển phần mềm, tuy nhiên đây cũng là một mô hình khá hay để sử dụng trong quản lý dự án nói chung. Cũng theo chị Thinh, Agile – Scrum được sử dụng phù hợp nhất với những dự án đòi hỏi deadline gắt gao, đồng thời có độ phức tạp và yêu cầu về tính riêng biệt cao.

Tại VNP Group, Agile – Scrum hiện được áp dụng trong các bộ phận Phát triển sản phẩm và Marketing cũng đã đem lại một số chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới mô hình này sẽ được mở rộng và hy vọng sẽ phát huy kết quả tốt hơn trong nhiều phòng ban khác.

Thúy Nga