Sáng 23/03 với chủ đề nóng: “Không xử phạt nhưng tự nguyện chấp hành”, chương trình VNP Debate Camp 2 tại VNP mang đến những phần tranh luận sôi nổi và đầy hào hứng đến từ khối cán bộ, nhân viên.
Khởi động với game show đầy tiếng cười lấy đà cho một chương trình tranh luận nảy lửa, các thành viên của VNP Group tại Hà Nội đã có một buổi sáng thứ Hai hào hứng với ca khúc “Mãi mãi một tình yêu” của Phạm Ninh - “cây văn nghệ” đến từ Webbnc.net.
Game warm-up tạo nên nhiều tiếng cười cho các VNPers.
Tâm điểm của chương trình tuần này tiếp tục là những phần tranh luận thú vị đến từ ứng viên VNPers tham gia Debate Camp số 2 với chủ đề “Không xử phạt nhưng tự nguyện chấp hành”.
Trước khi đến với phần thi chính thức của các ứng viên, bạn Đỗ Phương Linh – Quán quân Debate Camp #1 chia sẻ: “Sau màn trình diễn được đánh giá là cực “nhắng” của mình vào tuần trước, không ít người đã hỏi sao mình sao liều thế, dám đứng lên bàn để debate!”
Không khí của hội trường nóng dần lên khi ba ứng cử viên cho chức vô địch Debate Camp #2 lần lượt thể hiện quan điểm của mình với chủ đề “Không xử phạt nhưng tự nguyện chấp hành”. Trần Mai Phương (Phòng Quản lý Đào tạo) là thí sinh đầu tiên thể hiện phần hùng biện của mình. Luận điểm Phương đưa ra là không thể hoàn toàn loại bỏ việc xử phạt, điều quan trọng là có được một lộ trình từ nhắc nhở, cảnh báo và cuối cùng mới là xử phạt. Tuy có hơi run khi lần đầu tiên đứng ở vị trí diễn giả, nhưng Mai Phương cũng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả với những luận điểm sắc bén về văn hóa và giá trị của việc Phạt – Thưởng.
Trần Mai Phương (Phòng Quản lý Đào tạo) là thí sinh đầu tiên thể hiện phần hùng biện
Phần trình bày của ứng viên nam duy nhất, bạn Đặng Trung Kiên đến từ phòng IT Vật Giá lại đi theo cấu trúc từ thực trạng cho đến giải pháp. Theo Kiên, những gì thuộc về “luật” thì phải xử phạt khi vi phạm. Kiên cũng đưa kiến nghị: Một tổ chức thì chỉ nên có ba luật: không gây thiệt hại cho công ty và nhân viên trong công ty; không vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp; tuân thủ các quy tắc riêng của từng bộ phận. Trong khi đó, những phạm trù thuộc về “văn hóa” trong tổ chức như cách ăn mặc, giao tiếp, ý thức giữ vệ sinh… không nên phạt mà cần liên tục đào tạo và tuyên truyền để mọi người đều thực hiện một cách tự giác nhất.
Điểm nhấn kết lại phần trình bày chặt chẽ và logic của chàng trai IT một bài thơ hết sức hài hước về việc phạt và xử phạt trong công ty, khiến cho cả khán phòng nổ ra những tràng pháo tay không ngớt.
Phần trình bày đầy thuyết phục của bạn Đặng Trung Kiên (Phòng IT Vật Giá).
Không kém phần độc đáo chính là phần trình bày của cô gái trẻ đến từ phòng Marketing Nguyễn Thị Mai Bình. Cô gái sinh năm 1994 đã thể hiện quan điểm về việc không xử phạt trong công ty bằng một bài hát vô cùng thú vị trên nền nhạc “Anh không đòi quà”. Với ca khúc này, Mai Bình và team Marketing muốn gửi tới một thông điệp: Thay vì xử phạt, hãy tạo ra nhiều phần thưởng để khuyến khích tinh thần làm việc của nhân viên hơn nữa.
Nguyễn Thị Mai Bình (Phòng Marketing) với bài hát debate ấn tượng.
Những phần trình bày tuy khác nhau về hình thức lẫn nội dung nhưng đều thống nhất ở một quan điểm: Nâng cao ý thức tự giác của nhân viên cũng như văn hóa công ty chính là chìa khóa để mọi quy định trong công ty được đi vào nề nếp mà không cần đến các biện pháp xử phạt. Không nằm ngoài dự đoán của rất nhiều VNPers, phần trình bày thuyết phục và thú vị của bạn Đặng Trung Kiên đã xuất sắc giành giải Nhất của Debate Camp #2. Giải Hai và Ba lần lượt thuộc về hai cô gái Nguyễn Thị Mai Bình và Trần Mai Phương.
Thành công của chương trình lần này cho thấy Debate Camp đã, đang và sẽ không chỉ là một sân chơi để VNPers được nói lên quan điểm của mình mà còn là động lực để tất cả những ý tưởng đó được hiện thực hóa và cải thiện môi trường làm việc ở VNP.
Thúy Nga