Có gì sau Debate Camp 2015 tại VNP?

ảnh bài viết

Khởi động từ đầu tháng 3/2015, VNP Debate Camp trở thành một sân chơi mới dành cho nội bộ cán bộ, nhân viên VNP thể hiện quan điểm về những vấn đề trong công ty. Qua hai số đã thực hiện, chương trình đang nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ các VNPers.

Đúng như tiêu chí “Ai cũng có thể tranh biện”, chương trình có thể lệ và cách thức tham gia đơn giản với những chủ đề nóng được quan tâm. VNP Debate Camp được đưa lên các diễn đàn chung cho VNPer đăng ký tham gia. Sau đó, khoảng hai đến ba ứng viên sẽ được lựa chọn từ những người đăng ký để trở thành người chơi tại gameshow chính thức vào sáng thứ Hai đầu tuần.

Với hai chủ đề “Làm thế nào để chương trình sáng thứ Hai thú vị hơn?” và “Không xử phạt nhưng tự nguyện chấp hành”, những phần tranh biện nảy lửa giữa các ứng viên thể hiện dưới nhiều hình thức: đọc thơ, hát, hùng biện đã mang các cuộc tranh luận gần gũi và thiết thực hơn với nhân viên công ty. Chị Thái Thu Quyên, Trưởng phòng PR – Branding chia sẻ: “Ý tưởng về Debate Camp xuất phát từ những yêu cầu của Ban lãnh đạo cũng như đòi hỏi của nội bộ công ty về một mô hình mở mà ở đó tất cả mọi người đều bình đẳng về ý tưởng, mạnh dạn chia sẻ và được quyền lắng nghe những sáng kiến góp phần phát triển công ty.”

“Ai cũng có thể tranh biện” là tôn chỉ của VNP Debate Camp.

Thành công bước đầu của Debate Camp không chỉ đến từ format chương trình bài bản mà còn được khẳng định ở sự đón nhận của các VNPers. Chị Đỗ Phương Linh, quán quân Debate Camp #1 đến từ Phòng Phát triển sản phẩm chia sẻ: “Ban đầu mình cũng chỉ tham gia để đại diện cho phòng, tuy nhiên sau hai tuần mình thực sự thấy Debate Camp khá thú vị. Các ứng viên trong gameshow đều khiến mọi người ngạc nhiên về sự sáng tạo và linh hoạt trên sân khấu”.

Chị Đỗ Phương Linh (Phòng Phát triển sản phẩm) giành giải Nhất Debate Camp #1 với phần trình bày cá tính.

Trong khi đó, nhà vô địch của Debate Camp #2 – anh Đặng Trung Kiên đến từ Phòng IT Vật Giá cho rằng các chủ đề của chương trình khá đơn giản nhưng lại đòi hỏi phải đầu tư về cách thức thể hiện độc đáo, hài hước. Anh Kiên cũng đề xuất sắp tới nên có những đề tài “dí dỏm” như: “Làm thế nào để có bạn gái trong công ty?”, “Làm sao để tăng sự tự tin của bản thân?”…

Anh Đặng Trung Kiên (Phòng IT Vật Giá) cũng giành chiến thắng bởi phần thể hiện độc đáo. 

Là một trong những hoạt động kết nối nội bộ nên VNP Debate Camp chắc chắn không nằm ngoài chu kỳ phát triển – thoái trào của bất kì chương trình nào. Chia sẻ về định hướng dài hạn của gameshow này nói riêng và các phong trào gắn kết tập thể VNP nói chung, chị Thái Thu Quyên cho rằng điều quan trọng nhất là luôn luôn thay đổi concept, đổi mới hình thức thực hiện: “Phòng PR & Branding cũng có nhiều ý tưởng khác song song với Debate Camp để làm mới chương trình cũng như tạo các không gian khác. Trong thời gian tới, phòng PR & Branding dự định thực hiện chuỗi gameshow TTNB giới thiệu các dự án thuộc VNP, thành lập các hội, nhóm, Câu lạc bộ giúp các cá nhân có chung sở thích có cơ hội chia sẻ, và lớn hơn là tổ chức hoạt động du lịch hoặc chương trình hoạt động kỷ niệm ngày Thành lập công ty cho toàn thể VNPers. Hi vọng với sự nỗ lực của mình, phòng PR & Branding sẽ có cơ hội kết nối nhiều hơn và khuấy động tinh thần tập thể của các VNPers”.

Bất kỳ chương trình nội bộ nào muốn thành công đều cần sự ủng hộ của những con người trong tổ chức đó. Chúc cho VNP Debate Camp sẽ luôn đổi mới để giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng tập thể cán bộ, nhân viên VNP.

Thúy Nga